Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

[Kinh tế-Diễn đàn Doanh nghiệp] - Doanh nghiệp phải chủ động tạo sức hút

(DĐDN) - Thời điểm này, rất ít các nhà đầu tư chiến lược bỏ vốn vào các doanh nghiệp CPH. Vì sao? Báo DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông TS Trần Tiến Cường - nguyên Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN (Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư) xung quanh vấn đề này.


- Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài việc khó khăn của thị trường, của nền kinh tế thì một phần là trong tiến trình cổ phần của các DNNN không có sức hút các cổ đông chiến lược, quan điểm của ông như thế nào?

Theo tôi, điều đó chỉ đúng một phần, điều quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp (DN) là ngay từ khi CPH, các DN cần có chiến lược kinh doanh rõ ràng, với mục tiêu tăng vốn bao nhiêu, hướng vào nhà đầu tư nào... để tìm kiếm và vận động, chứ không thể chờ đợi cũng như không thể chờ họ xây dựng chiến lược kinh doanh cho mình. Đối với những DN có thương hiệu, có tên tuổi kinh doanh có lãi, thì việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược sẽ không gặp nhiều khó khăn, nhưng ngược lại đối với những DN không có tên tuổi thương hiệu, không có đường hướng chiến lược thì việc thu hút nhà đầu tư chiến lược không dễ dàng. Điều này, yêu cầu DN phải có sự chủ động trong kế hoạch CPH để vận động và thuyết phục các nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư.

Một điều quan trọng hơn cả để hấp dẫn các nhà đầu tư, đó là hạn chế việc duy trì tỷ lệ cổ phần nhà nước quá cao ở những lĩnh vực không cần nắm giữ cổ phần chi phối, mà thay vào đó cần thu hút nhà đầu tư chiến lược.

Bên cạnh đó, giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược không thấp hơn giá đấu thành công bình quân được quy định tại Nghị định 109 về việc chuyển DN 100% vốn nhà nước thành Cty cổ phần là tiêu điểm chú ý khi sửa đổi Nghị định. Với quy định này, theo tôi cũng là nguyên nhân khiến nhiều DN cổ phần hóa không tìm được nhà đầu tư chiến lược.

- Theo ý kiến của một số chuyên gia, CPH của Vietcombank nói riêng và nhiều TCty thuộc khu vực DNNN thì vai trò của cổ đông chiến lược nước ngoài rất quan trọng, bởi nó quyết định giá cổ phiếu của chính DN đó ?

Thực ra, việc trì hoãn IPO của Vietcombank liên quan nhiều tới đàm phán với đối tác chiến lược nước ngoài do vấn đề giá. Sự thay đổi quy định về giá bán cho cổ đông chiến lược nước ngoài từ Nghị định 187 sang Nghị định 109 cũng chịu ảnh hưởng lớn từ các diễn biến thị trường. Nghị định 187 cho phép giảm 20% so với giá đấu bình quân khi bán cho cổ đông chiến lược.

Một điều quan trọng hơn cả để hấp dẫn các nhà đầu tư, đó là hạn chế việc duy trì tỷ lệ cổ phần nhà nước quá cao ở những lĩnh vực không cần nắm giữ cổ phần chi phối.

Tuy nhiên, khi soạn thảo Nghị định 109, một quan điểm khác được nhấn mạnh hơn và cũng gây nhiều tranh cãi là không nên phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, cũng không nên "bán rẻ" tài sản Nhà nước và giá bán cho cổ đông chiến lược được gắn với giá đấu bình quân…

- Theo ông cần phải làm gì để giúp DN khi CPH tìm nhà đầu tư chiến lược theo mong muốn?

Hiện này có khoảng 5% các DN CPH có sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược. Trong phương án cổ phần hóa của đa số DN mới chỉ bán cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên, các đơn vị trong ngành và một số rất ít có mời các khách hàng nước ngoài tham gia với tỷ lệ khá hạn chế... mà chưa đề cập nhiều đến các nhà đầu tư chiến lược.

Để khắc phục tồn tại trên, điều 6, Dự thảo gần đây nhất của Nghị định 109 do Bộ Tài chính soạn thảo quy định: “Sau khi đấu giá công khai thì giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược do ban chỉ đạo CPH thỏa thuận trực tiếp với các nhà đầu tư chiến lược nhưng không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất của cuộc đấu giá công khai. Dự thảo cũng quy định: đối với trường hợp thỏa thuận trực tiếp hoặc đấu giá trong danh sách các nhà đầu tư chiến lược đủ tiêu chuẩn đã thực hiện đăng ký nhu cầu mua trước khi thực hiện đấu giá công khai, áp dụng giá thỏa thuận giữa các bên, giá đấu thành công nhưng không thấp hơn giá khởi điểm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa quyết định.

-Xin cảm ơn ông !

Hà Phương thực hiện


0 nhận xét:

Đăng nhận xét