(VTC News) - Trong lỗ tai hổ xám có hơn 100 vết đỏ như nốt ruồi son, chứng tỏ nó đã ăn thịt hơn 100 người.
Kỳ 2: Huyền thoại “thần hổ xám” Ông Đinh Văn Trinh, 81 tuổi, ở thôn Yên Sơn 2, xã Thành Yên (Thạch Thành, Thanh Hóa) kể rằng, trong truyền thuyết của người Mường vùng Thạch Thành, xưa kia, trong đại ngàn Thành Yên có vô số hổ, nhưng con hổ thành tinh, hay còn gọi là hổ thần, là chúa tể của loài hổ. Nó là vị chỉ huy tối cao, là thủ lĩnh, gây ra những vụ tàn sát người ghê gớm. Ông Trinh không được tận mắt con hổ khổng lồ này, nhưng theo bố ông và các cụ kể lại, thì nó to gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi hổ đồng loại. Thân nó dài khoảng 4 mét, mình to như con trâu, nó có bộ da vằn nhưng màu xám hơn, chứ không vàng như hổ bình thường. Hai mắt hổ thần đỏ lòm như cục than nóng rẫy lúc ban đêm, vuốt dài và sắc như dao chọc tiết lợn. Con hổ này vả một cái, nửa thân cây cổ thụ toác ra, nên nếu con người trúng cú tát của nó, chỉ có nước rơi đầu mất mạng. Tiếng kêu của nó trầm, đục, sâu, lại vọng cả trăm dặm, khiến ai nghe thấy cũng bủn rủn tay chân, mất hết sinh lực.
Cũng theo lời kể của các cụ, thì đôi tai của nó rất to, lúc nào cũng vểnh lên để lắng nghe thiên hạ bàn tán về nó. Đặc biệt, trong lỗ tai ấy có hơn 100 vết đỏ như nốt ruồi son, chứng tỏ nó đã ăn thịt hơn 100 người. Truyền thuyết của người Mường kể rằng, loài hổ hễ ăn thịt một người, thì trên tai sẽ có một vết đỏ. Mỗi vết đỏ tượng trưng cho một linh hồn. Những linh hồn bị con hổ ăn thịt sẽ đi theo nó, chịu sự sai khiến của nó. Khi trên tai loài hổ đã có 100 vết đỏ, thì con hổ đó đã thành tinh. Khi hổ đã thành tinh, thì màu lông vàng sặc sỡ đặc trưng của loài hổ sẽ biến thành màu xám xịt, nhìn rất hung dữ, ghê rợn. Đó cũng chính là lúc nó trở thành chúa các loài hổ trong rừng. Cũng theo truyền thuyết ở xứ Mường nơi miền tây Thanh Hóa này, hổ thành tinh có thể sống vài trăm tuổi. Nó ăn hết con trâu một lúc, nhưng cũng có thể ẩn trong hang đá vài năm không cần ăn. Không biết từ đời nào, nhưng cha ông họ tộc nhà ông Trinh truyền lại rằng, tổ tiên có mối thâm thù với con hổ xám thành tinh trong rừng Thạch Thành. Ông cố đời trước là một thợ săn thiện xạ. Ngày bé, ông nội thường kể lại những chuyến đi săn, giết vô số hổ của cụ. Người Mường có tục gọi tên theo tên con, có con thì gọi theo cháu, có chắt thì gọi theo tên chắt đích tôn. Tên cụ thay đổi xoành xoạch, nên đến giờ ông Trinh chẳng còn nhớ được tên cụ nữa. Chỉ biết rằng, ngoài tội giết hàng chục hổ, thì cụ đã bắn trọng thương con hổ xám, chính là hổ thành tinh, chúa của bầy hổ trong rừng Thạch Thành.
Ngày đó, con hổ này ăn thịt không biết bao nhiêu người mà kể. Thậm chí, nó còn cả gan ăn thịt cả người nhà của quan huyện Thạch Thành. Quan huyện ức con hổ này lắm, nên trao giải thưởng rất cao cho ai giết được con hổ, vừa để báo thù cho quan, vừa giữ tính mạng cho con dân của ngài. Rất nhiều thợ săn ở các vùng kéo đến. Quan Pháp có ham thú săn bắn cũng kéo đến Thạch Thành trổ tài, những mong hạ sát được con hổ, vang danh thiên hạ. Tuy nhiên, cả trăm thợ săn vào rừng đều thất bại. May chăng chỉ giết được vài con hổ nhỏ. Nhiều thợ săn thậm chí mất mạng khi giáp mặt hổ thành tinh. Biết bị săn bắt, con hổ thành tinh này càng lồng lộn tức giận, phá phách cuộc sống xứ Mường, giết hại trâu, bò nhiều vô kể. Nó điên cuồng đến mức cứ cắn cổ trâu bò đến chết rồi bỏ đi, không thèm ăn. Ngay như gia đình nhà ông Đinh Văn Nhật (hiện 89 tuổi, vẫn đang sống ở thôn Yên Sơn 2, xã Thành Yên), sau này tai bay vạ gió, cũng bị con hổ thành tinh xông vào đàn bò, cắn chết một lúc 20 con, xác chồng chất, máu me đen xỉn cả một cánh rừng. Chuyện con hổ cắn chết 20 con bò trong đàn bò 100 con của bố ông Nhật cùng một lúc là có thật, được ông Nhật và dân làng xác nhận, chứ không phải chuyện huyền thoại, huyễn hoặc. Không chỉ phá phách cuộc sống, giết hại trâu bò, mà nó càng điên cuồng cắn giết người. Trong hoàn cảnh đó, ông cố trong họ tộc nhà ông Trinh, dù rất tôn trọng con hổ, nhưng đã không chịu nổi sự tàn ác của nó, mà cùng hai người con vác súng hỏa mai, nỏ, bẫy vào rừng quyết giết con hổ thành tinh này.
Làng Bưng khi đó ở sát núi Vạn Sát và Bộc Tổ Gà, có mấy gia đình sinh sống. Nhà nào cũng lâm vào cảnh khốn khó vì bị hổ bắt sạch vật nuôi, quấy phá không kiếm ăn được. Giữa núi Vạn Sát và Bộc Tổ Gà có một cái khe. Cứ chiều xuống, con hổ thành tinh thường cùng bầy đàn của nó từ rừng già ra, đi theo khe núi, rồi lần mò đến các bản làng bắt người, bắt vật nuôi. Ông cố nhà ông Trinh thường đặt bẫy hoặc phục kích ở khe núi này, bắt được cả chục con hổ, nhưng toàn là hổ thường. Riêng hổ thành tinh, ông mới chỉ được nghe tiếng gầm, chứ chưa bao giờ được giáp mặt mãnh thú. Lần ấy, con hổ thành tinh thường xuyên xuất hiện ở khu vực làng Bưng, nên ngay buổi chiều đầu tiên ông cố đã giáp mặt nó. Hôm ấy, ông cùng 2 người con trai bế một con dê vào rừng. Ông cột con dê vào gốc cây, ngay lối mòn, nơi chi chít dấu chân hổ vừa mới đi từ lúc sáng sớm. Hai người con trai cầm nỏ, hông đeo dao găm, ông cố đeo khẩu súng hỏa mai vào rừng. Họ chọn một tảng đá to và núp sau tảng đá đó, chờ con hổ đến ăn mồi. Mặt trời vừa lặn khỏi đỉnh núi, tiếng khỉ hót, gà rừng gáy bỗng im bặt. Cả cánh rừng chìm trong không khí thâm u, tĩnh mịch. Là thợ săn thiệt nghệ, hiểu rõ tập tính loài hổ, nên ông biết rằng, khi cả cánh rừng đang náo nhiệt bởi tiếng kêu hót của các loài, mà bỗng im bặt, thì hổ đã xuất hiện. Oai linh của loài vật này khiến các loài phải kinh sợ, khiếp đảm, mà im re. Con hổ xuất hiện thật. Trong đời săn bắn, giết hổ của ông cố, ông chưa từng sợ hãi một con hổ nào khi đối mặt, thế nhưng, ông đã dựng tóc gáy khi nhìn thấy con hổ này. Mặt ông cắt không còn giọt máu nào. Con hổ có màu lông xám xịt, to lớn, dữ dằn. Nó há miệng ngáp một cái, mà miệng rộng tưởng như đến ngót một mét. Thân nó to lớn bằng con bò, mà dài bằng cả cây sào. Mùi hôi từ cái ngáp của nó xộc ra, khiến cha con ông cố ở cách 20 mét, núp sau tảng đá mà như muốn ói. Nó bình thản tiến đến chỗ con dê, đớp một cái con dê mất hút trong miệng. Chỉ còn lại cái chân dê còn dính với dây thừng. Ngày đó, mới có súng hỏa mai. Để nổ súng, phải châm lửa đốt và bắn từng viên một. Nếu bắn một phát, không trúng đầu, mà trúng phần mềm, thì con hổ không chết được. Khi bị thương, nó xông lên thì ba bố con ông cố chỉ có nước tan xác. Chờ cho con hổ bỏ đi, ông cố và hai người con trở về làng. Còn tiếp… Kỳ tới: Đối đầu hổ dữ Phạm Ngọc Dương |