DN dùng “chiêu” liên tục mở rộng làm ăn để tô bóng hình ảnh khiến ngân hàng nhầm tưởng, có DN lập báo cáo tài chính giả; làm giả hợp đồng mua bán với các đối tác khác… để thế chấp, đi vay... lùa ngân hàng "vào bẫy".
Thu mua hàng nông sản xuất khẩu là một trong số các lĩnh vực được các ngân hàng (NH) ưu tiên cho vay, nhưng chính cách làm ăn theo kiểu “ăn xổi, ở thì” và gian dối của nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực này khiến NH phải thận trọng, dè dặt… DN gian dối Sau nhiều năm dành ưu tiên cho các DN hoạt động trong lĩnh vực thu mua, xuất khẩu nông sản, nay các NH đã trở nên dè dặt, thận trọng hơn rất nhiều khi xét duyệt cho vay. Giám đốc một chi nhánh NH thẳng thắn cho biết, NH đã nỗ lực rất nhiều trong việc hỗ trợ vốn cho các DN, nhưng chính họ đã bội tín, thậm chí là gian dối, đẩy NH vào thế khó khăn nên NH phải thận trọng. Hiện tại, đối tượng khách hàng này đang được áp dụng lãi suất thấp hơn các khoản vay thông thường, chứ NH không dám cho vay tín chấp hoặc nới lỏng điều kiện cấp tín dụng. Chứng minh cho nhận định này, các NH đã đưa ra hàng loạt trường hợp khách hàng gian dối trong việc vay và sử dụng tiền vay. Chẳng hạn như trường hợp của Công ty TNHH P. (TP. Buôn Ma Thuột), tại thời điểm làm hồ sơ vay vốn NH chỉ có vài trăm tấn cà phê nhân trong kho, nhưng đã dùng thủ đoạn “đôn” bao vỏ cà phê bên trong, khai khống khối lượng lên đến 1.000 tấn; lập báo cáo tài chính sai sự thật; làm giả nhiều hợp đồng mua bán cà phê với các đối tác khác… để thế chấp, hợp thức hóa hồ sơ và vay được của nhiều NH với số tiền hàng chục tỷ đồng, trong đó, có cả NH cho vay tín chấp. Đến lúc tình trạng mất khả năng thanh toán của công ty này bị phát hiện, các NH chỉ “vớt vát” lại được một phần rất nhỏ so với số tiền đã cho vay, và cho đến bây giờ, số nợ quá hạn này vẫn chưa thể thu hồi được. Một trường hợp khác là một DN ở địa bàn thị xã Buôn Hồ (Dak Lak) dùng “chiêu” liên tục mở rộng quy mô làm ăn để tô bóng hình ảnh của mình khiến không ít NH nhầm tưởng DN phát triển tốt, cùng nhau cấp tín dụng. Đến khi DN không thể “giật gấu vá vai” được nữa, phải giở trò chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của đối tác khiến cơ quan chức năng phải vào cuộc xử lý thì các NH mới “té ngửa” khi phát hiện ra rằng, lâu nay DN này đã sử dụng vốn sai mục đích, dùng vốn vay ngắn hạn đầu tư trung dài hạn hoặc trái ngành tràn lan. Và, cũng như nhiều trường hợp khác, hậu quả để lại là các NH cho vay phải “gồng mình” xử lý số nợ quá hạn phát sinh từ những khoản vay này.
Ngoài tình trạng DN cố tình lừa NH thì việc làm ăn không minh bạch, liên quan đến các đối tượng vi phạm pháp luật cũng khiến các NH lo lắng, chỉ tập trung thu nợ cũ chứ không dám cho vay. Hiện có rất nhiều NH đang trong trạng thái “đứng ngồi không yên” vì DN là khách hàng của mình có liên quan đến đường dây mua bán cà phê khống, nhằm mục đích chiếm đoạt tiền thuế GTGT như đã xảy ra trong thời gian qua. Từ số liệu điều tra ban đầu của cơ quan chức năng, rất nhiều DN thu mua, xuất khẩu cà phê trên địa bàn tỉnh đã mua hàng qua nhiều khâu trung gian mà một trong các khâu này có liên quan đến đường dây mua bán hóa đơn GTGT bất hợp pháp. Nhà băng tự vệ Giám đốc một chi nhánh NH phân tích, với chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay như hiện nay, năm nào chi nhánh tăng trưởng được dư nợ khoảng 500 tỷ đồng thì cũng chỉ thu được gần 10 tỷ đồng tiền lãi. Sau khi trừ đi các khoản bắt buộc phải trích lập, số lợi nhuận thực tế thu được còn thấp hơn rất nhiều. Vậy nên chỉ cần xảy ra một trường hợp khách hàng vay vài tỷ đồng vỡ nợ là xem như năm đó chi nhánh bị lỗ, chưa kể phải khắc phục hậu quả trong nhiều năm liền mới xong. Chính vì thế, để bảo đảm an toàn, hầu hết các NH đều phải cảnh giác cao với các DN vay vốn thu mua, xuất khẩu nông sản.
Hiện nhiều NH vẫn đưa ra các gói tín dụng dành riêng cho hoạt động thu mua, xuất khẩu nông sản với lãi suất ưu đãi, họ cũng thừa nhận, sẽ không mở “van” tín dụng tràn lan mà chỉ cấp vốn cho những DN làm ăn hiệu quả, có uy tín. Thực tế diễn biến trên thị trường NH cho thấy, mỗi NH đều trang bị cho mình một biện pháp phòng vệ. Có đơn vị siết lại điều kiện để cho vay, nhất là đối với các khoản vay mà tài sản thế chấp là hàng hóa. Đối với khách hàng mới, các NH thường thẩm định rất kỹ về tính khả thi của dự án, phương án kinh doanh; riêng những khách hàng lâu năm thì NH chỉ nhận thế chấp hàng hóa khi hàng hóa này được lưu giữ tại kho của NH, hoặc nếu kho của khách hàng thì phải là kho mà chỉ chứa riêng hàng của NH cho vay, có biên bản xác nhận rõ ràng, có bảo vệ riêng do NH lựa chọn. Giám đốc một chi nhánh NH TMCP cho biết thêm, chi nhánh của ông chỉ tập trung “bám” những DN đã có quan hệ làm ăn uy tín nhiều năm nay để bảo đảm an toàn. Dù được đánh giá tốt, nhưng trước khi cho vay cũng phải thẩm định kỹ kế hoạch kinh doanh có bảo đảm đạt được hay không, nếu phải xử lý nợ có gặp khó khăn gì không... Một số NH khác thì chọn giải pháp thiết lập cho mình một hệ thống quản lý phòng ngừa rủi ro, dựa trên các báo cáo, phân tích và dự báo thị trường bằng phương pháp dự báo định lượng có kiểm định của đội ngũ chuyên gia ngành hàng; theo dõi sát sao diễn biến mùa màng, giá cả của thị trường trong nước và quốc tế để phục vụ cho việc thẩm định cho vay. Cũng có NH xem năng lực xuất khẩu trong 3 năm gần nhất là một trong những tiêu chí quan trọng cần đánh giá trước khi quyết định cho vay… Trên địa bàn, hầu hết DN hoạt động trong lĩnh vực thu mua, xuất khẩu nông sản không mạnh về tài chính, phần lớn số vốn hoạt động là đi vay NH. Chính vì thế, việc NH siết chặt cho vay sẽ khiến đối tượng khách hàng này khó khăn hơn rất nhiều. Theo số liệu báo cáo của các TCTD tại Dak Lak, ước tính đến cuối tháng 3-2014, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 40.268 tỷ đồng; nợ xấu khoảng 1.168 tỷ đồng, chiếm 2,9% tổng dư nợ cho vay. Nợ xấu tập trung chủ yếu ở nhóm khách hàng là DN. Theo Lê Ngọc baodaklak.vn |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét