Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

[Văn hóa-Songmoi.vn] - Nước mắm cao cấp chỉ gồm muối trộn hương liệu

Hàng loạt sản phẩm nước mắm được quảng cáo là cao cấp, làm từ cá đắt tiền và có độ đạm cao và được bán với giá từ 15.000- 40.000 đồng/lít. Thực chất đây chỉ là hỗn hợp gồm muối pha hương liệu.


Nước mắm là thứ gia vị không thể thiếu trong bữa ăn người Việt, bởi vậy đây là một thị trường có sức tăng trưởng lớn. Theo ước tính mỗi năm thị trường Việt tiêu thụ từ 180 - 200 triệu lít nước mắm. Bởi vậy, ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia chế biến, kinh doanh khiến lượng sản phẩm nước mắm- nước chấm ngày càng tăng.

Nếu như trước đây, các nhà sản xuất luôn tự tin với những sản phẩm nước mắm làm từ cá cơm, có độ đạm cao hay sức mạnh của phương pháp làm mắm truyền thống thì nay, chiến lược quảng bá truyền thông đã thay đổi. Sau chiến dịch lôi kéo người dùng bằng chiêu nước chấm sạch thì giờ đây hầu hết các nhà sản xuất đều nhấn vào hương vị, bởi thế trên thị trường liên tục xuất hiện các sản phẩm nước mắm được quảng cáo là chế từ những loại cá mà bấy lâu ít nơi nào dùng làm mắm như cá hồi, cá thu. Rất nhiều nhãn hiệu còn khẳng định chất lượng với chỉ số độ đạm cao đến 50-70%.

Hiện trên thị trường đang phổ biến những chai nước mắm thương hiệu Chinsu, Nam Ngư, Kabin, Hương Việt, Ông Tây… Những thương hiệu cũ như Phú Quốc, Cát Hải, Hạnh Phúc, Long Hải… cũng có nhưng yếu thế hơn hẳn và thường được bày ở phía sau. Thông thường người tiêu dùng khi mua tin tưởng khá nhiều vào lời giới thiệu của người bán hàng, một phần không nhỏ là chịu sự ảnh hưởng tác động của những chiến dịch quảng cáo. Bởi vậy, cũng là dễ hiểu khi các nhãn hiệu của các tập đoàn lớn bán chạy hơn cả vì họ đầu tư rất lớn cho các chương trình khuyến mại quảng cáo.

Tuy nhiên, với những người tiêu dùng kỹ tính thường kiểm tra rất kỹ về thành phần, nguyên liệu cũng như mùi vị của sản phẩm. Và kiểm tra lại những thành phân trong đó cũng có thể thấy hầu hết đều có rất ít cốt cá mà chủ yếu là những hợp chất tạo hương vị. Khảo sát của Sống Mới cho thấy, hầu hết các sản phẩm được bày bán ở những vị trí đẹp mắt là những chai nước mắm có màu sắc khá giống nhau, thành phần cũng tương tự gồm cốt hay tinh mắm cá cơm, còn lại là hương liệu cá, chất điều vị, đường, nước muối, phẩm màu… Hơn nữa, những chai nước mắm này thường có màu nâu nhạt, và rất trong, mùi dịu nhẹ, nếu so với những loại nước mắm làm theo phương thức truyền thống thì khác biệt hoàn toàn.

Nước mắm làm theo công thức truyền thống là cá ướp muối, phơi nắng trong bình kín, sử dụng men tiêu hóa sẵn có trong ruột cá để ức chế vi khuẩn, làm cá phân hủy từ từ, khoảng 4-6 tháng, nước mắm sẽ là nước cốt từ quá trình cá thủy phân . Hơn nữa, mắm làm theo truyền thống chỉ có độ đạm tối đa ở mức hơn 30% vì trong quá trình phân hủy đã bị phân tán bớt. Nước mắm này sẽ có màu sậm, sánh và mùi khá nặng.Đặc biệt mắm truyền thống chỉ có thể sử dụng trong một thời gian nhất định nếu không sẽ chuyển mùi nồng nặc và chuyển màu.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm cho rằng, nước mắm công nghiệp chủ yếu là lên men từ thực vật, thủy phân bằng nhiều phương pháp rồi pha chế với muối, hương liệu và các phụ gia, chứ không làm từ cá như họ thường quảng cáo. Thêm vào đó nhiều loại nước mắm đang được quảng cáo có hàm lượng đạm, sắt cao… nhằm thu hút người tiêu dùng. Nhưng thực tế nước mắm từ cá thật chỉ có hàm lượng đạm cao không vượtquá 30%, vì vậy nếu thành phần này có trong nước mắm quá cao cũng chỉ là được nhà sản xuất pha thêm vào, thành phần sắt trong nước mắm cũng tương tự. Những chất đạm, hay sắt hóa học được cho thêm vào không chắc đã tốt mà còn có thể gây tác dụng xấu cho người sử dụng. Và để kéo dài thời gian sử dụng các chai nước mắm cũng đã được sử dụng chất bảo quản.

Một số chuyên gia WHO từng khuyến cáo: tránh dùng thường xuyên chất điều vị khi chế biến thức ăn cho trẻ dưới 6 tuổi, tránh ảnh hưởng sức khỏe của trẻ. Nhiều chuyên gia dinh dưỡng của Việt Nam cũng khuyến cáo: trẻ em dưới 12 tháng tuổi không nên dùng thức ăn có chất điều vị do cơ thể chưa hoàn chỉnh như người lớn.

Ngoài ra các loại chất bảo quản như Natri benzoate và Kali sorbet thường được các nhà sản xuất sử dụng rộng rãi nhất do có khả năng ức chế hoạt động của vi khuẩn, bảo quản thực phẩm được lâu hơn mà không ảnh hưởng đến mùi vị cũng như chất lượng. Nếu sử dụng lâu dài sẽ gây ra các triệu chứng rối loạn tổng hợp protein và cũng là yếu tố tác động gây ung thư.

Thực tế, chỉ cần suy nghĩ logic giữa giá của 1kg cá vào thời điểm hiện tại cũng có thể thấy sự bất hợp lý vì để làm ra 1 lít nước mắm cần tốn vài kg cũng như thời gian cả năm để ủ thì không thể cho ra 1 lít nước mắm với giá vỏn vẹn chỉ 15.000- 40.000 đồng. Với nững dòng nước mắm được cho là làm từ cá hồi thì càng khó tin hơn nữa, vì ngoài yếu tố giá cả, bà Nguyễn Thị Tịnh, Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phú Quốc, khẳng định cá hồi khá béo, có nhiều mỡ và mỡ không thủy phân giống như đạm thịt được nên không thể dùng để làm nước mắm.

Hiện giá của 1 lít nước mắm truyền thống không dưới 50.000 đồng, nhiều sản phẩm nước mắm chắt đóng chai đang được bán từ các làng nghề truyền thống còn có giá từ 150.000- 250.000 đồng/lít. Tuy nhiên, mức giá này cũng gọi là khá “xa xỉ” đối với nhiều người tiêu dùng.Bởi vậy, nước mắm công nghiệp ra đời cũng là tạo thêm phân khúc, thêm sự lựa chọn cho người tiêu dùng với khẩu vị khác và túi tiền vừa đủ. Tuy nhiên, điều đáng nói là các nhà sản xuất đang tung hỏa mù đánh lừa người tiêu dùng về sản phẩm của mình. Chính vì vậy mà nước mắm truyền thống đang ngày càng trở nên khó cạnh tranh bởi giá thành cao, hình thức sản phẩm kém cũng như không đủ nội lực để có thể quảng bá hình ảnh và phổ cập sản phẩm như các tập đoàn lớn.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét