Ngày 14/4, Tổng thống tạm quyền Ukraine Oleksandr Turchynov tuyên bố quân đội nước này đã bắt đầu chiến dịch "chống khủng bố tổng lực" khi “thời hạn chót” mà Kiev đưa ra trong “tối hậu thư”, 6h ngày 14/4 (giờ GMT), để người biểu tình “giao nộp vũ khí và rời các tòa nhà mà lực lượng này chiếm đóng ở khu vực miền Đông” đã trôi qua nhưng không có dấu hiệu gì cho thấy họ sẽ làm theo yêu cầu.
Trước tình hình căng thẳng leo thang, vào hồi 0h5 cùng ngày (giờ GMT), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) đã phải tổ chức cuộc họp khẩn. Tại cuộc họp, tờ RussiaToday dẫn lời Đại diện thường trực của Nga tại LHQ Vitaly Churkin nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế cần yêu cầu các nhà lãnh đạo tại Kiev phải ngừng cuộc chiến chống lại dân mình và rằng, “những hành động khinh suất” của Chính phủ Ukraine có thể đe dọa nghiêm trọng đến tình hình xã hội Ukraine hiện nay. Ông Churkin cũng bác bỏ những cáo buộc cho rằng Nga đang điều quân đến khu vực biên giới với Ukraine hay Moskva đã gửi rất nhiều điệp viên đến điều phối hoạt động của người biểu tình tại Ukraine. Cũng tại cuộc họp, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc phương Tây “đạo đức giả” trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, đồng thời yêu cầu Washington giải thích về chuyến thăm bí mật của Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan tới Kiev hôm 12/4 (với một cái tên giả), ngay trước thời điểm chính quyền lâm thời ở Kiev do Mỹ hậu thuẫn dọa sẽ tiến hành chiến dịch "chống khủng bố". Nhưng, phía Mỹ đã “già mồm” rằng, tình hình ở khu vực miền Đông Nam Ukraine không còn là biểu tình hòa bình mà đã mang tính chất của một "chiến dịch quân sự". Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power nhấn mạnh, để giành lại các tòa nhà chính quyền trong khu vực này cũng như tại các thành phố khác, lực lượng quân đội cần được chuẩn bị sẵn sàng, đồng thời cảnh báo, Mỹ sẵn sàng tăng cường trừng phạt Nga nếu các hành động gần đây tại Ukraine tiếp diễn.
Cuối phiên họp, Đại sứ Nga tại LHQ tái khẳng định sự đồng thuận của Nga về nguyên tắc việc tham gia cuộc gặp 4 bên Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine dự kiến tổ chức vào ngày 17/4 tới tại Geneva (Thụy Sĩ) nhằm giải quyết tình hình Ukraine. Tuy nhiên, ông Churkin cảnh báo, cuộc họp này có nguy cơ bị phá vỡ nếu chính quyền Ukraine tiếp tục các hành động quân sự để trấn áp người biểu tình tại khu vực miền Đông Nam nước này. Cũng trong ngày 14/4, phát biểu sau cuộc gặp với người đồng cấp nước chủ nhà tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết, những diễn biến ở Ukraine là mối quan ngại lớn, cả Trung Quốc và Đức đều quan tâm tới việc không để vấn đề Crimea trở thành một tiền lệ. Trước đó, ngày 13/4, các cuộc biểu tình phản đối chính quyền ở miền Đông Ukraine đã leo thang thành xung đột đổ máu khi xảy ra các cuộc đấu súng giữa lực lượng an ninh Ukraine và các tay súng ủng hộ Nga ở thành phố Slavyansk, tỉnh Donetsk. Ria Novosti dẫn nguồn tin từ Sở Y tế tỉnh Donetsk cho biết, tính đến đêm 13/3, đã có ít nhất 1 nhân viên an ninh Ukraine thiệt mạng và 5 người khác bị thương khi lực lượng an ninh cố gắng chiếm lại tòa nhà trụ sở cơ quan an ninh bị các tay súng này chiếm đóng ngày 12/4... Theo lời Tổng thống bị phế truất Ukraine Viktor Yanukovych, chiến dịch “chống khủng bố” của Kiev, diễn ra ngay sau chuyến thăm bí mật của Giám đốc CIA, đã đẩy Ukraine “đặt một chân vào ngưỡng cửa của cuộc nội chiến”. Tuy nhiên, chính phủ tạm quyền Ukraine lại có động thái “phóng lao thì theo lao”. Sau khi ra “tối hậu thư” cho người biểu tình thân Nga hôm 13/4, Tổng thống tạm quyền Ukraine Oleksandr Turchynov tuyên bố sẽ phát động chiến dịch “chống khủng bố tổng lực” nhằm vào lực lượng biểu tình nếu họ không thực hiện theo đúng yêu cầu của Kiev được đưa ra trong “tối hậu thư”. Trong khi đó, ông Arsen Avakov đã thông báo thành lập một đơn vị đặc nhiệm với khoảng 12.000 người, được trang bị vũ khí, thiết bị quân sự… để giúp thực hiện công việc duy trì ổn định an ninh trật tự ở những khu vực hiện đang bất ổn ở Ukraine... Nhận định về các động thái trên, Tổng thống Ukraine bị phế truất Viktor Yanukovych nhấn mạnh: “Chính phủ mới tại Kiev đã ra lệnh cho lực lượng vũ trang và quân đội tấn công người biểu tình và đó là một mệnh lệnh đầy tội ác”, đồng thời kêu gọi lực lượng an ninh Ukraine không tuân theo những mệnh lệnh trái pháp luật và kiềm chế không nã đạn vào người dân Ukraine. Bộ Ngoại giao Nga thì miêu tả đây là một “chỉ thị tội lỗi” của chính quyền Kiev và yêu cầu phải ngay lập tức ngừng phát động cuộc chiến tranh nhằm vào chính nhân dân của họ, đồng thời kêu gọi giới chức Ukraine “khởi động cuộc đối thoại chân thành”. Theo hãng tin Itar-Tass, hồi 8h47 (giờ GTM), sau khi kết thúc “thời hạn chót” của Kiev hơn 2 giờ, khoảng 150 người biểu tình đã kéo đến trụ sở cảnh sát thành phố mỏ Gorlovka ở tỉnh Donetsk, bao vây lối vào chính của trụ sở này. Tiếp đó, vào lúc 8h52 (giờ GTM), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đưa ra cảnh báo: “Việc sử dụng vũ lực chống lại người biểu tình sẽ phá vỡ mọi nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine” và khẳng định: “Nga không và sẽ không bao giờ can thiệp vào chuyện nội bộ của Ukraine. Việc này trái với lợi ích của chúng tôi”. Ông Lavrov nhấn mạnh: “Moskva không có ý định gây mất ổn định tình hình ở Ukraine. Nếu Kiev tuyên bố đã bắt giữ được một số nhân viên tình báo của Nga, hãy đưa ra bằng chứng” |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét