Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

[Sức khỏe -Lao Động] - Cứu sống 2 trẻ sơ sinh bị hôn mê sâu do rối loạn chuyển hóa

Lần đầu tiên, các BS BV Nhi T.Ư cứu sống 2 trẻ sơ sinh tăng ammoniac máu do mắc bệnh rối loạn chuyển hóa (RLCH) bằng phương pháp lọc máu liên tục. 2 trẻ đã được lọc máu trong 2 tuần đầu sau đẻ với cân nặng chỉ có 2,9kg và 3,2kg.

Trường hợp đầu tiên là bé Phạm Thị H., nhập viện lúc 7 ngày tuổi với lý do bú kém và li bì. Sau khi nhập viện, tình trạng của cháu H. ổn định cho đến 17 ngày tuổi thì xuất hiện cơn tím tái ngừng thở, rồi hôn mê sâu. Qua xét nghiệm, bệnh nhi bị ammoniac máu tăng cao và được chẩn đoán là RLCH acid hữu cơ.

Cháu H. được lọc máu liên tục trong 3 ngày và đã tỉnh táo hoàn toàn. Hiện bé đã được 30 ngày tuổi, tinh thần phát triển tốt. Trường hợp thứ 2 là bé Nguyễn Văn C., nhập viện lúc 2 ngày tuổi. Đến ngày thứ 8, bé C. bỏ bú và hôn mê sâu chỉ trong vòng 12 giờ đồng hồ.

Xét nghiệm ammoniac máu đã tăng nhanh, các bác sĩ chẩn đoán bé bị RLCH thiếu hụt chu trình ure nên cũng nhanh chóng được lọc máu liên tục trong 10 ngày. Sau 3 ngày lọc máu, bé tỉnh hoàn toàn và xuất viện sau đó 20 ngày. Hiện nay, bệnh nhân 1 tuổi và phát triển tinh thần, vận động bình thường.

Nhờ phương pháp lọc máu trong điều trị các bệnh RLCH bẩm sinh tại BV Nhi T.Ư giúp giảm tỉ lệ tử vong trẻ bị RLCH bẩm sinh. Đ.A

Nấm mốc do trời nồm gây viêm đường hô hấp. Nồm ẩm đã làm nấm mốc phát triển mạnh, khiến mọi đồ dùng sinh hoạt, thực phẩm đều trở thành mối nguy hại sức khỏe. Theo các chuyên gia y tế, nấm mốc có mặt ở đũa, thớt, thức ăn, rau củ quả, gạo đỗ, lạc... có thể đi vào cơ thể. Có những loại nấm vô cùng nhỏ (vi nấm) tồn tại, song mắt thường không thấy. Để loại trừ nấm mốc, vi khuẩn đũa, thớt khi dùng xong nên rửa sạch, treo hoặc kê lên để thớt nhanh khô. Đũa sau khi rửa sạch để khô, không sử dụng đũa vẫn còn ẩm, ướt. Tốt nhất, trước khi dùng nên hơ đũa, thớt trên bếp lửa, dội nước sôi rồi dùng khăn sạch lâu khô để diệt vi khuẩn, nấm mốc. Khi cơ thể bị nhiễm nấm mốc, thường xuất hiện các triệu chứng ho, mệt mỏi, mắt và họng bị kích thích, đau đầu, buồn nôn, tiêu chảy mất nước... Ngoài ra, các bào tử nấm còn gây viêm nhiễm đường hô hấp, dẫn đến viêm đường hô hấp, khó thở, mệt mỏi, viêm xoang, viêm phế quản, dị ứng. N.P

Cứ 2 người ở thành thị có 1 người bị mỡ máu cao. Kết quả khảo sát của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy hơn 29% số người VN trưởng thành bị rối loạn mỡ máu, trong đó ở thành thị lên tới 44,3%. Cứ khoảng 2 người dân thành thị thì 1 người có cholesterol cao. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến mắc bệnh đái tháo đường.

Hiện VN có 1,7 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, dự đoán đến năm 2030 sẽ tăng lên 3,1 triệu người. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng phải có gần 5 triệu người bị đái tháo đường vì hơn 60% người bệnh chưa được chẩn đoán. N.P


0 nhận xét:

Đăng nhận xét