Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

[Pháp luật -Lao Động] - Xét xử vụ hỗn chiến trên sông Yên: Bị cáo khai bị điều tra viên ép cung

Trong hai ngày 2-3.4, TAND tỉnh Thanh Hóa đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ hỗn chiến trên sông Yên, đoạn qua xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia và xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa). Qua thẩm vấn, xuất hiện những tình tiết mới do bị cáo Nguyễn Văn Tuyển (SN 1987), Phạm Văn Thành (SN 1994) khai bị điều tra viên ép cung. Chính vì vậy, TAND tỉnh quyết định trả lại hồ sơ cho VKSND tỉnh đề nghị Cơ quan CSĐT điều tra bổ sung.


Diễn biến tại phiên tòa.

Các bị cáo bị kích động

LS Vũ Văn Thiệu (người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho 11 bị cáo) cho rằng việc VKSND tỉnh truy tố các bị cáo về tội “gây rối trật tự công cộng” áp theo điểm a, khoản 2 điều 245 Bộ luật hình sự (BLHS) là chưa đúng. Điều luật trên quy định phạm tội trong trường hợp “có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách.

Song hành vi của các bị cáo không nằm trong trường hợp này, bởi lý do sau: Các bị cáo chỉ dùng đá ném, đá không phải là vũ khí theo quy định trên, bởi vậy không thể nói “các bị cáo có dùng vũ khí” được.

Ngoài ra, các bị cáo cũng không có hành vi phá phách (đập phá tài sản) vì vậy, trong trường hợp này chỉ có thể áp dụng khoản 1, điều 245 BLHS, “bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.

Các bị cáo Đặng Văn Sinh, Đinh Văn Dũng, Đinh Văn Hà, Hoàng Văn Quang, Lê Văn Mạnh, Nguyễn Văn Đạt, Phạm Văn Tám, Trần Quốc Hùng, Vũ Văn Trung, Vũ Văn Trường, Trần Văn Quân có hành vi ném đá khi bị tấn công trước. Về nguyên nhân dẫn tới hành vi phạm tội, nhân thân, thái độ khai báo thành khẩn cần được TAND tỉnh xem xét những tình tiết này để nhằm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo.

Bởi nhẽ, họ hành động trong hoàn cảnh bị kích động, không làm chủ được bản thân khi sự việc có ngọn nguồn từ phía gia đình ông Tô Quốc Dũng, Lê Văn Hiệu, gây sự trước, từng nhiều lần đuổi đánh người dân Quảng Nham tham gia khai thác ngao tự nhiên trên sông Yên.

Sự việc này, bà con có báo cáo lên chính quyền địa phương nhưng chưa được giải quyết triệt để. Và nếu như ngày 7.7.2013, ông Dũng, ông Hiệu không chuẩn bị sẵn các loại đá, que sắt mài nhọn hai đầu, dao... thì sẽ không xảy ra vụ việc đau lòng nêu trên. Hơn thế, các bị cáo cũng bị phía những người của ông Dũng, ông Hiệu tấn công bị thương, anh Đinh Văn Hà trúng que sắt, xuyên thủng má trái, đâm gãy răng, tổn hại sức khỏe; Trần Quốc Hùng bị ném que sắt trúng chân; anh Trần Văn Quân bị phía bên kia ném đá trúng đầu gây nhiều vết thương nham nhở.

Các bị cáo có nhân thân tốt, hoàn cảnh gia đình khó khăn, trình độ văn hóa thấp... Như vậy có thể áp dụng hình phạt “phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra”, điểm c, khoản 1, điều 246 BLHS.

Không cấu thành tội giết người

2 bị cáo Phạm Văn Thành và Nguyễn Văn Tuyển bị VKSND tỉnh truy tố về tội “giết người”, theo LS Vũ Văn Thiệu thì hành vi của 2 bị cáo này không cấu thành trọng tội nêu trên. Bởi hành vi của Tuyển - Thành không cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật đối với ông Tô Quốc Dũng (chết) và Dương Văn Quân (mất 38% sức khỏe).

Đối với Nguyễn Văn Tuyển, tại bút lục 726, bản tự khai ngày 11.7.2013 khẳng định “có 3-4 người từ bè Tĩnh Gia nhảy sang bè của Tuyển rồi dùng dao, gậy tấn công Tuyển cùng một số trường hợp khác có mặt trên bè. Tuyển rơi xuống nước nhưng bám trèo lên bè thì bị chém, Tuyển ôm người chém và cả hai rơi xuống nước. Tuyển giật được dao từ người đàn ông này (có đội mũ bảo hiểm) và vung dao chém 2-3 nhát”. Lời khai của Tuyển phù hợp với lời khai của Phạm Văn Dũng (Dũng Thủy) tại bút lục 627 ngày 9.7.2013.

Điều này cho thấy, Tuyển chém anh Quân là do bị tấn công trước, Tuyển chỉ chống trả lại một cách cần thiết đối với người tấn công, khi anh Quân xin, Tuyển đã dừng lại. Như vậy Tuyển không có ý định tước đoạt mạng sống của anh Quân. Nhận định của VKSND tỉnh cho rằng “Dương Văn Quân thoát chết là do ngoài ý muốn của Tuyển” là không đúng vì nếu Tuyển mong muốn Quân chết thì đã chém tới cùng (không ai can ngăn, gây trở ngại).

Bản thân Quân khi nằm trên bè của anh Dũng Thủy nếu Tuyển muốn tước đoạt mạng sống của người này thì không có gì cản trở, do đó không thể quy kết Tuyển về tội “giết người”.

Về nhận định của VKSND tỉnh, cho rằng Phạm Văn Thành cầm dao nhảy xuống sông chém chết ông Dũng cũng không đúng. Tại trại giam, Thành khai không chém ông Dũng mà bị ép, mớm cung. Và tại phiên tòa ngày 2.4, một lần nữa Thành khẳng định “có chết em cũng không thừa nhận chém chết ông Dũng”. LS Vũ Văn Thiệu nói: “Có việc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng bởi với hành vi giết người của Thành phải có luật sư chỉ định.

Tuy khi gặp tôi, Thành nói hôm nay em mới gặp LS và khẳng định duy nhất khi gia đình mời, em mới được gặp LS chứ chưa gặp bất cứ một LS nào khác. Để đáp ứng bản án đối với Phạm Văn Thành và Nguyễn Văn Tuyển, theo đánh giá của LS là chưa đủ căn cứ pháp lý do có những tình tiết không thể làm sáng tỏ tại phiên tòa.

Theo lời khai của Thành thì không có LS tham gia hỏi cung nhưng lại có chứng cứ của LS trong bút lục. Vì vậy phải làm rõ tình tiết này và tình tiết Thành khai bị mớm cung, ép cung đúng hay không thì mới có bản án đúng người, đúng tội.

Mặt khác, Phạm Văn Tuyển bị truy tố về tội giết Dương Văn Quân nhưng Quân khai tại tòa không biết ai là người chém mình và Quân khẳng định không đội mũ bảo hiểm khi bị chém như lời khai của Tuyển vì vậy cũng không đủ căn cứ để kết tội tuyển”. Từ những tình tiết trên, sau 2 ngày phiên tòa diễn ra, HĐXX quyết định trả lại hồ sơ cho VKSND tỉnh đề nghị điều tra lại vụ án.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét